QĐND - Người dân ở địa phương nói rằng, lên được đỉnh núi Thánh Giá là như lên được đỉnh trời. Ở đây có thể thu được toàn bộ rừng núi, mây trời và biển cả vào trong tầm mắt. Nhưng thực tế lại rất ít người đặt chân được lên đó, bởi những con dốc dựng đứng như bức tường và trơn trượt như được đổ mỡ, quanh năm sương giăng mờ mờ ảo ảo. Ấy vậy mà những người lính ra-đa Trạm 590, thuộc Trung đoàn Ra-đa 251 (Vùng 2 Hải quân) vẫn hằng ngày lên, xuống làm nhiệm vụ trên “đỉnh mờ sương”, dõi “mắt thần” bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Trạm Ra đa 590 trên đỉnh mờ sương. Ảnh: M. Thắng. |
Gọi là đỉnh "mờ sương" là bởi ngọn núi cao vút này mỗi năm có tới 9 tháng ủ mình trong sương mù. Vì thế mà người dân nơi đây gần như đã quên cái tên núi Thánh Giá ban đầu. Người cao tuổi ở địa phương cũng không còn nhớ núi Thánh Giá có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu, lâu lắm rồi ngọn núi xa xa, cao ngất kia có hình thù trông giống một cây thánh giá. Nhưng do thời gian và sự tàn phá của bom đạn chiến tranh, nên hình thù ấy không còn như xưa nữa. Bởi vậy, cái tên núi Thánh Giá cũng dần bị mai một và chỉ còn… trên bản đồ. Trước khi xuất phát lên đỉnh mờ sương, Thượng tá Huỳnh Văn Đa, Phó chính ủy Trung đoàn 251 nhìn tôi e ngại: “Hôm nay không có xe U-oát, ta cùng đi bộ lên núi nhé. Dốc cao, khúc khuỷu, nhiều khúc cua tay áo nên nhà báo phải chuẩn bị tinh thần. Sẽ vất vả lắm đấy!”. “Anh yên tâm, tôi đã từng leo lên dãy núi Ngọc Linh cao chọc trời Tây Nguyên rồi”. Nói là vậy, nhưng tôi vẫn thủ sẵn cây gậy để chống khi cần thiết, trong lòng vẫn có một chút lo lo.
Trên con đường độc đạo, chênh vênh như được gắn hờ vào núi, mỗi bước chân đi lại thấy thân người thêm nặng trĩu. Tôi luôn phải cúi thấp để dồn trọng lượng về phía trước cho khỏi trượt. Ban đầu đi còn hăm hở, khí thế, nhưng càng về sau, bước chân càng uể oải hơn... Chiếc máy ảnh đeo ở cổ cũng trở nên nặng nề như đang đeo quả tạ. Vượt qua “dốc tử thần”, ngoảnh lại phía sau tôi bỗng giật mình. Chao ôi! Khoảng không sâu hun hút tưởng như là vô định! Đại úy Nguyễn Văn Kha, Trạm trưởng Trạm 590 níu tay tôi, bảo: “Đừng nhìn xuống! Leo núi mà nhìn xuống là không lên nổi đâu”. Rồi anh kể: “Chỗ này nguy hiểm, gấp khúc, mùa khô còn đỡ chứ mùa mưa thì trơn trượt, rất khó bám chân. Ngày trước, khi chưa có trạm ra-đa, một vài người dân qua đây đã bị ngã xuống tận chân núi. Ngay cả những chiến sĩ mới lên trạm lần đầu, không cẩn thận cũng bị trượt trầy vai, trật khớp. Giờ mỗi lần đi lại anh em bảo nhau phải hết sức cẩn thận kẻo tai nạn như chơi”. Tôi chợt hiểu, thì ra cái tên “dốc tử thần” là thế! Càng lên cao, tai bắt đầu ù bởi áp suất chênh lệch, tôi cố nhấc từng bước... lê từng bước một. Hơi thở hổn hển, có lúc cảm thấy như bị đứt quãng. Nhìn tôi, anh Đa cười: “Thấy mình nói đúng chưa? Cố lên, còn hơn một cây số nữa thôi”. Ôi, hơn một cây số nữa, tôi không nghe nhầm đấy chứ! Đến lúc này thì cây gậy của tôi đã phát huy tác dụng như một cái chân bám chặt vào mặt đường. Đi phía trước, mấy cán bộ của trạm và của Vùng 2 cứ bước phăng phăng, thỉnh thoảng các anh ngoái lại động viên: “Cố lên, sắp tới rồi”. Thế mới biết bộ đội ta thật dẻo dai. Có lẽ họ được rèn luyện thường xuyên trong môi trường khắc nghiệt và bởi tinh thần trách nhiệm, lòng say mê nghề nghiệp và lòng tự trọng của mình.
Trung úy, QNCN Trịnh Xuân Đặng trước giờ làm nhiệm vụ. Ảnh: M. Thắng. |
Leo thêm một đoạn, khi miệng, mũi tôi tranh nhau thở, tim đập như trống hội, chân tay mỏi nhừ, run run thì cũng là lúc trạm ra-đa trên đỉnh núi hiện ra. Một cảm giác vui sướng vỡ òa khiến tôi lâng lâng, quên hết mệt nhọc. Vậy là tôi đã chinh phục được ngọn núi Thánh Giá cao ngút ngàn. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn quanh hòn đảo, tất cả tưởng chừng chỉ trong một sải tay… Cảm giác như có thể giơ tay đón gió, đu mây và vùng vẫy trên biển trời thanh bình.
Thiếu úy, QNCN Lê Quyết Chiến, 28 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa, tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân năm 2010 đã có hai năm đón Tết trên đỉnh mờ sương. Chiến bảo: “Mình còn độc thân nên xung phong trực Tết, tạo điều kiện cho anh em đã có gia đình được sum vầy trong dịp Xuân mới”. Hằng ngày, bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình, các anh theo dõi, kiểm soát mọi diễn biến liên quan đến chủ quyền, an ninh trên biển để kịp thời xử lý và báo cáo về đất liền; giữ mạch thông tin an toàn, thông suốt. Trên nóc chòi canh, chiếc chảo ra-đa liên tục quay tròn, quét “tia mắt thần” xa hàng chục hải lý, rồi truyền những tín hiệu thu được về trung tâm để giải mã. Anh Chiến cho biết: “Với chúng tôi, màn hiện sóng ra-đa và những tín hiệu thu được là vô cùng quan trọng để bảo đảm không sót, lọt mục tiêu trong phạm vi đảm nhiệm”.
Ở phía sau trạm ra đa có một bể chứa khá lớn, nhưng nước bên trong chỉ còn chút ít. Không có máy bơm, không có ống dẫn nước, chỉ có dụng cụ gùi, xách và những “thiết bị” hứng nước mưa. Nguồn nước của những người chiến sĩ ra-đa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Ở vùng đất này, mùa mưa thì sấm chớp ầm ào, gió rít liên hồi, nghiêng cây, lở đất. Còn mùa khô thì sỏi đá cũng phải cong vênh, bộ đội phải tiết kiệm từng giọt nước mưa. Đại úy Kha bộc bạch: “Anh em phải thay nhau hai ngày mới tắm một lần. Nước tắm xong dùng để tưới những luống rau tăng gia. Nếu hoang phí một chút là phải đi bộ hơn 4km mới có nước tắm giặt...”.
Trạm trưởng Kha năm nay 36 tuổi. Đứa con thứ hai của vợ chồng anh mới chào đời chưa được 2 tuần. Cách đây ít hôm, khi anh đang nghỉ phép ở nhà chăm sóc vợ thì nhận được lệnh trở lại đơn vị làm nhiệm vụ gấp. Vợ anh cũng là công nhân viên quốc phòng đang làm việc tại Kho B752 (Biên Hòa, Đồng Nai) nên rất hiểu và thông cảm với chồng. Chị bảo, anh cứ yên tâm đi làm nhiệm vụ, ở nhà đã có em chăm lo, nuôi nấng các con. “Nói là vậy nhưng chắc cô ấy cũng tủi thân lắm!”-Anh Kha nói với tôi mà như đang được chia sẻ với người vợ hiền. Tự nhiên tôi liên tưởng đến chuyện cưng vợ của lính nhà giàn. Chẳng là, quanh năm suốt tháng làm bạn với biển cả mênh mông sóng vỗ, xa vợ triền miên nên họ vô cùng nhớ và khao khát. Đến khi được về đất liền, cánh lính nhà giàn ai nấy đều hết lòng cưng chiều vợ, sẵn sàng làm giúp vợ mọi việc, mong sao… vợ không ốm trong những ngày chồng được ở nhà. Dường như tình cảm thương yêu vợ con của những người lính hải quân đều giống nhau như thế. Dù vậy, khi Tổ quốc cần họ vẫn biết xa nhau…
Ở trạm ra-đa này, có một số anh em đã từng công tác ngoài đảo Trường Sa. Nhiều người vì yêu mến biển, nhớ Trường Sa nên khi về đất liền đã đặt tên con là Trường Sa để kỷ niệm một thời hiên ngang giữ đảo. Đó là trường hợp của Trung úy QNCN Trịnh Xuân Đặng, 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa. Anh đã có 6 năm công tác tại Trường Sa trước khi chuyển về Trạm 590. Ngày vợ sinh con trai đầu lòng, anh đã chọn đặt tên con là Trịnh Đỗ Trường Sa. Anh Đặng lý giải: “Trường Sa là con trai của tôi, đó là điều hiển nhiên được pháp luật thừa nhận. Cũng giống như quần đảo Trường Sa là của nước Việt Nam, thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”.
Năm nay mùa khô kéo dài, nước biển cũng như vơi bớt. Tiết trời vào xuân đã làm cho cây non đâm chồi, nảy lộc. Hòn đảo về đêm lung linh, huyền ảo. Hàng trăm tàu, thuyền neo đậu, giăng đèn sáng rực cả một vùng. Thượng tá Huỳnh Văn Đa bảo: “Ban đêm trên đỉnh núi khá lạnh. Anh em trong trạm vẫn phải đắp chăn dày mới ngủ được”. “Những ngày Tết hay lúc Giao thừa, trạm có tổ chức hoạt động gì cho bộ đội không anh?”-Tôi hỏi. Anh Đa nhìn sang Đại úy Nguyễn Văn Khol, Chính trị viên của trạm như muốn để “chủ nhà” tự lên tiếng. Chính trị viên Khol chia sẻ: “Mặc dù trạm hoạt động phân tán, khó tổ chức được như các đơn vị trong đất liền, nhưng chúng tôi lại có một sáng kiến rất hay, đó là trước lúc Giao thừa chỉ huy trạm báo động chiến đấu để ai nấy về đúng vị trí của mình rồi tiến hành chúc Tết qua điện thoại. Sau đó chỉ huy trạm đến từng vị trí trực để kiểm tra, động viên và chúc Tết anh em đang làm nhiệm vụ. Hết ca trực, cán bộ, chiến sĩ quây quần kể chuyện quê hương và văn nghệ theo kiểu xoay vòng”. Trạm Ra-đa 590 chia thành hai bộ phận, nên chỉ huy đơn vị phải phân tán hai nơi. Sau khi tổ chức đón Giao thừa trên đỉnh núi cùng kíp trực chiến các anh mới tập trung đi xông đất các gia đình bà con trong khu.
Đất trời đang vào xuân. Những cánh mai đã nở rộ vẫy gọi xuân về với những người chiến sĩ ra-đa. Tôi chẳng muốn rời đỉnh núi mờ sương chút nào, nhưng vẫn phải nói lời tạm biệt. Câu nói của Trạm trưởng Kha cứ vương vấn đối với tôi: “Nếu có dịp mong anh trở lại, trạm ra-đa trên đỉnh mờ sương luôn mong đợi những tình cảm từ đất liền giúp chúng tôi chắc tay súng, giữ yên bình biển trời Tổ quốc”.
HOÀNG THÀNH
Công ty thám tử tư số 1 chuyên tư vấn các dịch vụ thám tử tư Uy tín, Bảo mật, Chuyên nghiệp – Bạn hãy cùng các Thám tử tài ba của Văn phòng thám tử tư số 1 tìm hiểu thực hư các nguồn tin HOT và hấp dẫn nhất trong ngày nhé.
=>>> Xem thêm thông tin HOT tại :
Dich vu tham tu Thanh Dat - thamtuthanhdat.vn
Dịch vụ thám tử Thành Đạt
Tổ chức sự kiện Thành Đạt - topevent.vn
Cung cấp lái xe chuyên nghiệp - laixevip.com
Cung cấp dịch vụ Vệ sinh công nghiệp - vesinhsach.net
Các từ khóa :
thám tử tư hà nội, tham tu tu Ha Noi
dich vu tham tu tu, dich vu tham tu tu Ha Noi
công ty thám tử, cong ty tham tu tu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét