Pháp luật và đạo đức
Những mối tình không trong sáng luôn để lại những hậu quả khôn lường. Có rất nhiều cách nhìn nhận, bình phẩm, phê phán khác nhau về những mối tình này, nhưng tựu trung lại đều là sự lên án, cảnh báo trước những hậu quả sẽ xảy ra. Dưới đây là các góc độ đánh giá của các luật sư, chuyên viên nghiên cứu về tâm lý con người... về vấn đề này.
“Con người không chỉ bị điều chỉnh bằng luật đời”
Theo tôi, nhìn nhận dưới góc độ pháp luật, nếu cho rằng tình yêu không được điều chỉnh của pháp luật thì không hoàn toàn đúng. Có thể 1 nụ hôn, 1 cái liếc mắt tình tứ, 1 cái nắm tay của đôi nam nữ lo sợ sẽ phạm vào điều này, khoản nọ trong một Bộ luật thì thật là mất hết thi vị.
Nhưng các quan hệ hôn nhân và gia đình, trong đó có tình yêu cần được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Hình sự... Những hành vi sống chung với người đã có vợ, có chồng là vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
Luật Hình sự nghiêm cấm những người đã có vợ, có chồng chung sống với người khác như vợ chồng và cũng nghiêm cấm người biết người khác đã có vợ, có chồng mà mình vẫn chung sống với người đó như vợ chồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính mà vẫn còn vi phạm thì bị xử lý theo Luật Hình sự.
Vì thế, dù đó là tình yêu trong sáng hay tình yêu mù quáng, mọi người đều phải tôn trọng pháp luật, phải có trách nhiệm với chính bản thân và hành động của mình. Trong quan hệ xã hội, ngoài quy phạm pháp luật điều chỉnh thì còn có nhiều quy phạm khác cùng tồn tại tham gia điều chỉnh như quy phạm tôn giáo, tộc quán và đặc biệt là quy phạm đạo đức.
Chúng ta đều biết đạo đức là dư luận tập thể, là tiếng nói khen chê đối với hành vi của con người nhằm định hướng cho mọi người tự khám phá, tự tìm tòi và qua dư luận để điều chỉnh hành vi của mình. ở một khía cạnh nào đó, đạo đức còn đặt trên pháp luật bởi nó là kết quả của một quá trình giáo dục lâu dài và lặp lại nhiều lần của gia đình, xã hội.
Có rất nhiều mối tình mang tính chất “bồ bịch”, họ giấu giếm, che đậy không để cho người thân biết và pháp luật khó điều chỉnh được vì không có các chứng cứ chứng minh được họ chung sống như vợ chồng.
Từ những vụ án xảy ra gần đây, cô sinh viên sư phạm giết người tình cũ, hay vụ dùng sex khống chế người tình để che đậy chuyện quá khứ riêng của mình đã gây ra hậu quả khôn lường và những vết thương lòng khó hàn gắn cho người trong cuộc, gây bất bình cho xã hội.
Đó là tiếng chuông cảnh báo về lối sống gấp gáp, hưởng thụ xa đọa, cám dỗ vật chất của lớp trẻ. Sự nghiêm khắc của pháp luật sẽ làm cho những người đang có ý định thực hiện hành vi xấu phải chùn bước, uốn nắn lại hành vi của mình thì đó là mối quan hệ chuyển hóa của pháp luật và đạo đức.
Xã hội ngày càng phát triển, nảy sinh những quan hệ mà pháp luật chưa tiên liệu được các biện pháp dự phòng, hoặc xây dựng được chế tài xử phạt nghiêm khắc; song mọi người phải tự ý thức được việc làm của mình.
Nếu không tự giác, tự điều chỉnh, dừng lại những hành vi sai trái thì sẽ phải sống trong sự giày vò của lương tâm. Như “cách nói” của giới luật sư chúng tôi quan niệm: “Con người không chỉ bị điều chỉnh bằng luật đời mà còn có luật trời” bởi các mối quan hệ của con người không chỉ bị điều chỉnh bởi luật pháp do Nhà nước ban hành mà còn có luật nhân quả…
“Gia đình chính là cái gốc của giải pháp”
“Những hành vi phạm tội hoặc quan hệ thiếu lành mạnh của các đối tượng có thể được gọi là sai lệch chuẩn mực xã hội. Theo tôi, các sai lệch xã hội hay nói đúng hơn đó chính là những tội ác thường tập trung vào tầng lớp thanh thiếu niên và cả những vụ án liên quan đến tình cảm không trong sáng, vụ lợi của các đối tượng.
Nhiều cá nhân và băng nhóm hoạt động với tính chất côn đồ, sử dụng nhiều vũ khí “nóng” nhằm thanh toán nhau để giành giật “địa bàn” làm ăn hoặc thực hiện những việc phi pháp khác.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nếu như trước kia số vụ phạm pháp liên quan đến thanh niên, hay cả những người tầm tuổi trung niên về mặt vi phạm thuần phong mỹ tục chỉ tập trung ở các thành phố lớn thì ngày nay cả những vùng thôn quê, những nơi tưởng chừng xa xôi cũng xảy ra những vụ án đau lòng.
Hơn nữa, nếu như trước đây những hành vi phạm pháp chỉ dừng lại ở mức độ trộm cắp, gây rối trật tự thì ngày nay việc cầm dao đâm chém nhau, cướp của, giết người có tổ chức, tính toán và manh động hơn rất nhiều. Đây thực sự là điều đáng báo động trong xã hội.
Để chặn đứng những hành vi trái với các thuần phong mỹ tục tốt đẹp, chúng ta cần “chẻ” tận gốc các vi phạm, diệt tận gốc những ung nhọt khiến cho tội phạm nảy sinh. Muốn làm được điều đó ngoài hệ thống pháp luật chặt chẽ, giám sát các hành vi sai lệch đó thì gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng.
Nơi đó những người trong gia đình như bố mẹ, ông bà và cả truyền thống của gia đình… sẽ uốn nắn, góp phần giáo dục và ngăn chặn những tội ác, vụ án đau lòng có thể xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét